Thời thế. Và anh hùng.

 1. Mọi lời ca ngợi đều là thừa thãi, đối với màn trình diễn kinh khủng của KDB.  Một bàn thắng và một đường kiến tạo – cả hai đều là những tuyệt phẩm, đáng lẽ thế đã là quá đủ để nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất, ở bất cứ trận đấu nào.

Và hơn thế, chúng nối nhau xuất hiện để tạo nên cảm giác về một thứ sức tàn phá không thể chống đỡ. Ngẫu hứng nhưng lạnh lùng, chuẩn xác đến tàn nhẫn, cả đường đẩy bóng không buồn quay đầu quan sát cho Thorgan Hazard (sau khi đã khiến 3 cái bóng áo đỏ lẫn Kasper Schmeichel sập bẫy) lẫn phát hỏa tiễn hoàn tất cuộc lội ngược dòng đều gọn ghẽ và dễ dàng như được thực hiện trong một trận PES. 

Thời thế. Và anh hùng. - Ảnh 1

Đan Mạch không còn khả năng áp đặt thứ khí thế lấp sông xẻ núi của chính họ ở hiệp một, sau những cú đòn tối tăm mặt mũi giáng vào tinh thần đó. Mà không chỉ vậy, lòng tự tin của “bầy Quỷ đỏ” cũng đảo chiều, để giành lại hoàn toàn thế trận. 

Không có KDB trên sân, Bỉ chỉ còn là một cỗ máy khô dầu. Có sức sáng tạo và nguồn hưng phấn vô tận mà anh mang vào sân, họ mới trở lại là một cỗ máy nghiền đích thực, trước một địch thủ xứng đáng như Đan Mạch. 

Nhưng thế thì, tại sao? 

2. Chúng ta buộc phải tin là những chuyên gia thẩm định của hội đồng kỹ thuật đã chú trọng nhiều hơn đến những giá trị vô hình – những điều không được cụ thể hóa bằng bàn thắng, đường chuyền quyết định, hay kể cả thứ sức càn lướt của một chiếc xe tăng mà Lukaku bộc lộ, khi xé toang phòng tuyến Đan Mạch ở phút 55 ấy, mở đột phá khẩu cho KDB cùng Thogan Harzard “dọn dẹp chiến trường”. 

Ở Lukaku, từ đầu đến cuối, thật khó nhớ ra nổi một hình ảnh nào “tỏa hào quang”. Vấn đề là, anh đã làm được gì trong bóng tối? 

Thời thế. Và anh hùng. - Ảnh 2

Khi đứng ở giác độ đó, chúng ta cũng khó có thể bỏ qua một vài dữ kiện quan trọng của bối cảnh thực tế: “Thuốc nổ Đan Mạch” đã được kích hoạt từ rất sớm. Và sau đó, được chắp cánh bởi sự phấn khích, đám Viking ấy thừa thắng xông lên, bắn phá liên miên, công hãm ào ạt. Một lần nữa thôi, nếu Courtois phải vào lưới nhặt bóng, thì việc cả KDB lẫn Eden Hazard vào sân có khi cũng đã là quá muộn. 

Đúng vậy. 45 phút quay cuồng trong nghịch cảnh đó, Bỉ không có Witsel, Eden Hazard và Kevin de Bruyne – những quân át chủ bài, những dự trữ chiến lược. Song, họ vẫn không sụp đổ. 

Trong cách các học trò của HLV Roberto Martinez tựa vào nhau, níu lấy nhau, che đỡ cho nhau…để chờ đến chặng giải lao vô giá ấy, sức vóc và sự cần mẫn của Lukaku lại có thể xem là một điểm tựa. Anh thường đơn độc và vẫn lóng ngóng khi tiến lên phía trước. Tuy nhiên, anh cũng luôn quên đi rằng mình mang áo số 9, để tự biến thành một đạo viện binh cho hàng phòng ngự phía sau. 

Thời thế. Và anh hùng. - Ảnh 3

3. KDB là người tạo nên thời thế. Nhưng thời thế, cuối cùng, lại giành sự tưởng thưởng cho Romelu Lukaku.

Danh hiệu đó có xứng đáng hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào góc nhìn, cách tiếp cận vấn đề và cả thế giới quan của từng người. Với những ai tôn thờ giá trị vĩnh hằng của những khoảnh khắc sáng chói, đam mê tính nghệ thuật hay sùng bái sự tinh tế gọn gàng trong bóng đá, hiển nhiên, danh hiệu này dành cho Lukaku là sự bất công đối với Kevin de Bruyne. 

Có điều, nhìn rộng hơn, nếu lúc nào cuộc chơi cũng chỉ tôn vinh những khoảnh khắc đó, thì đâu là sự tri ân mọi âm thầm trong bóng tối. 

Thời thế. Và anh hùng. - Ảnh 4

Mà thực ra, trong một trận đấu, những khoảng lặng thường nhiều hơn gấp bội, so với những khoảnh khắc cả cầu trường sôi sục. Còn trong cuộc đời, không phải lúc nào những vị phúc tinh cũng đến kịp lúc, không phải lúc nào người ta cũng có thể mơ đến những phép màu. Điều thực tế nhất luôn hiện hữu là những nỗ lực chịu đựng, chịu đựng đến tận cùng mọi sức ép, để chờ đợi giông bão qua đi trước khi nghĩ đến những lấp lánh cầu vồng.

Vào những lúc gian nan đó, người hùng không nhất thiết phải biết bay, hay mặc áo choàng. Có khi chỉ cần là một tấm lưng đá tảng để tựa vào. Một sự chia sẻ câm lặng, thô tháp nhưng không  đứt đoạn, hay những thông điệp cổ vũ “Đừng bỏ cuộc!” bằng chính sự tận tụy vụng về đến tội nghiệp, cũng đã là đủ rồi…