Bản sắc anh hùng

1. Đừng chỉ nhìn vào bàn thắng, dù cú đúp ấy thật hoàn mỹ. Một pha “bẻ nòng” hoàn hảo bằng chân phải, và một cú ra chân điện chớp bằng chân trái, thực ra, cũng chỉ tô đậm thêm những gì đã quá quen thuộc đối với thế giới, về bản năng đã không biết bao nhiêu lần được thừa nhận của một con thú săn mồi bẩm sinh. 

Cũng không cần phải nhắc lại chuyện anh chính là truyền nhân xứng đáng nhất của Boniek, Deyna hay Lato. So sánh vốn là khập khiễng, mà mỗi thế hệ lại có những người phát ngôn riêng, những ngọn cờ riêng, những thần tượng riêng. Huống hồ, trong những ngày vàng son của quá khứ, khi Ba Lan còn có thể xung trận với cả một dàn hảo thủ,  nơi họ dừng chân là tận vòng bán kết World Cup (1974, 1982). 

Bản sắc anh hùng - Ảnh 1

Còn bây giờ, với Lewandowski dẫn đầu, Ba Lan đã nói xong lời tạ từ EURO 2021, ngay sau vòng bảng. 

Song, trong trường hợp cụ thể này, kết quả buồn thảm ấy hoàn toàn không liên quan gì đến lòng kiêu hãnh. Bởi vì, cho dù Forsberg thực sự bùng nổ, cho dù Claesson thực sự nhạy bén, và cho Thụy Điển thực sự xứng đáng, thì Lewandowski và Ba Lan cũng chỉ cúi đầu trước thời vận. 

2. Ta nên nhìn vào điều gì? Điều gì nên được đọng lại cuối cùng dưới cái sàng ký ức của thời gian, để hàng chục năm sau vẫn còn dội lên từ dưới bụi mờ khi nhắc về cuộc rượt đuổi nghẹt thở này? 

Không phải là những bàn thắng, có lẽ cũng chẳng phải hình ảnh Lewandowski chống tay xuống gối, trân trối ngước nhìn lên bảng tỷ số vào phút 90+4 ấy, khi tất cả đã sụp đổ, khi có lẽ anh cũng không còn chút sức lực nào để đứng thẳng người dậy nữa. 

Bản sắc anh hùng - Ảnh 2

Hãy nhìn vào tấm băng thủ quân trên tay anh, vì anh đã xứng đáng với nó đến tận cùng – như một biểu tượng. Một người đội trưởng thực thụ. Một thủ lĩnh tinh thần đúng nghĩa. Một điểm tựa đích thực. Người nhận lãnh trọng trách khai sơn phá thạch trong nghịch cảnh, mà không cần phải hò hét lớn tiếng. Tất cả những giá trị ấy đều quan trọng gấp bội, so với vai trò của một “số 9” tất sát. 

Vì thực ra, Lewandowski, chí ít là trong cuộc vật lộn tuyệt vọng này, không giới hạn chính mình trong vai trò của một “số 9”. Anh chạy như điên, và thường xuyên nhận bóng ở vị trí chạy cánh, như chính lần đột kích thành công để bắt đầu thắp lên một tia hy vọng le lói ở phút 61 ấy. Anh không thể kiến tạo, nhưng anh vẫn cố gắng tạo nên những khoảng trống. 

Và điều quan trọng nhất: Anh không bỏ cuộc, nên Ba Lan cũng không buông tay. 

Bản sắc anh hùng - Ảnh 3

Không dễ dàng gì để có thể kiên định như thế, sau những gì mà vận hạn đối xử với anh ngay ở những phút đầu. Hai pha đánh đầu cận thành liên tiếp đều dội lại từ xà ngang. Bàn thắng mười mươi bị chặn đứng trên vạch vôi. Chừng ấy là thừa đủ để trở thành một lời nguyền độc địa, có khả năng làm băng hoại mọi kỹ năng và nung chảy mọi thứ ý chí. 

Dĩ nhiên, Lewandowski cùng đồng đội vẫn còn rất nhiều thời gian, sau đợt công hãm đen đủi đó. Có điều, quỹ thời gian ấy lại còn bị tước đoạt thêm, và cơn choáng váng cũng dày thêm, với việc Forsberg gợi lại hình ảnh của một Tomas Brolin thời bóng đá Thụy Điển còn oanh oanh liệt liệt 30 năm trước. 

Đặt hai cú đánh đầu dội xà của Lewandowski cạnh hai phát hỏa tiễn của Forsberg cạnh nhau trong một chuỗi hình dung, cuộc rượt đuổi tuyệt vọng mà “số 9” của Ba Lan khởi phát mới mang đầy đủ mọi sắc thái bi hùng của một khúc chiến ca ngày tận thế. 

Bản sắc anh hùng - Ảnh 4

3. Không phải Ba Lan chỉ chơi hay, khi không còn gì để mất nữa. Cũng không phải khi đã sẵn sàng lật ngược thế cờ, họ lại tự đánh mất mình. Chỉ là, ngoài ý chí và ngoài Lewandowski, họ không còn sở hữu gì nhiều. Không còn gì nhiều, đế có thể so sánh với thế hệ Lato, cũng chẳng có gì để liên tưởng đến những đoàn kỵ binh Hussar vươn cánh trong lịch sử. 

Sau sự sụp đổ cuối cùng đó vài tiếng, có một kẻ săn bàn lừng lẫy khác – Cristiano Ronaldo – đi vào lịch sử, cũng hết sức xứng đáng. Không ai, kể cả những người không ưa hay thậm chí căm ghét anh, có thể phủ nhận thứ sức mạnh tinh thần sắt đá mà ngôi sao Bồ Đào Nha thể hiện ở cả hai quả phạt đền, khi đứng trên lằn ranh mong manh đã từng khiến vô số huyền thoại gục ngã. 

Bản sắc anh hùng - Ảnh 5

Lewandowski không có danh hiệu nào, không sở hữu kỷ lục nào, cũng không còn cơ hội nào để lại dấu ấn ở EURO lần này nữa. Vấn đề là, thứ ý chí mà anh phả vào cuộc chơi của riêng mình – trong tình thế mười phần chết một phần sống – để vực đồng đội lên tiếp tục chiến đấu, cũng là một giá trị không thể phủ nhận. Một thứ bản sắc cổ điển đã dần phai nhạt trong bóng đá hiện đại, nhưng lại mới được tái sinh nhờ anh, hay nhờ Luka Modric – một thủ lĩnh đích thực khác – trong đêm trước, hay cách Adam Szalai giữ lấy niềm tin cho Hungary, theo cách tương tự với Lewandowski. 

Anh hùng thường gắn liền với thành bại. Song, không phải lúc nào cũng có thể (và không phải lúc nào cũng nhất thiết) phải lấy thành bại luận anh hùng.