Sai một ly…

“Mất bóng mà chẳng vì lý do gì, điều đó ảnh hưởng trầm trọng đến hình thái của trận đấu cũng như tinh thần của chúng tôi – điều tôi rất không thích”. Stanislav Cherchesov không buông xuôi. Nhưng, thực tế, ông cũng chẳng có cách nào để xử lý vấn đề đó. ĐT Nga của ông, với trận thua này, một lần nữa khắc họa rõ thêm rằng đôi khi, những số liệu thống kê hoàn toàn là vô nghĩa.
1. Bởi vì, theo những gì mà chính UEFA cung cấp, và nếu chỉ nhìn lướt qua những thông số ấy, sẽ rất khó để nói rằng ĐT Nga đã chơi một trận tệ hại, đặc biệt là ở khâu phòng ngự.
47 lần tranh chấp bóng thành công, so với 37 của “Những con quỷ đỏ”. 16 pha tắc bóng chiến thắng, nhiều gấp 4 lần đối thủ. Phá bóng giải nguy 11 lần, so với 15 của người Bỉ. Tổng quãng đường di chuyển 115,1 km, so với khối lượng 111 km mà đối phương thực hiện. 
Thế nhưng, cuối cùng, đó vẫn là một trận thua tan nát. Nói như chính Cherchesov: “Chẳng có gì để nói về kết quả nữa hết. Tất cả đã ở trên bảng tỷ số”. Và: “Những sai sót nhỏ sẽ quyết định tất cả”.
Tuy nhiên, dù nói như vậy, có lẽ Cherchesov cũng vẫn còn đang cố gắng nâng đỡ tinh thần các học trò của mình. Nhỏ, nhưng nếu trượt chân, giật mình, chuyền hỏng, đứng sai vị trí… xảy ra liên tiếp, thì những sai lầm ấy chính xác đã trở thành một thứ lỗi hệ thống, chứ không còn là những tổ hợp lỗi tình huống nữa. 
Nói cách khác, cũng như tiến trình trưởng thành của một đời người vậy. Cho dù sở hữu nhiều tố chất bẩm sinh đến đâu, và đã phác họa những kế hoạch hay dự định hào nhoáng đến mức độ nào, mỗi cá nhân luôn có khả năng tự hủy hoại ước mơ của mình nếu chấp nhận để những cảm giác dễ dãi trở thành tính cách cẩu thả, và thiếu độ nghiêm túc cũng như tập trung để ngăn cản mọi chi tiết nhỏ nhất trở nên lấp lánh.
2. Rực sáng, đó lại là điều Lukaku cùng đồng đội vừa hoàn tất, trong một ngày đẹp trời ở Saint Petersburg Stadium. Kevin De Bruyne không thể thi đấu. Eden Hazard gần cuối trận mới có mặt trên sân. Trên lý thuyết, ĐT Bỉ nhập trận với một đội hình xuất phát bị tổn thương nặng nề đến khả năng sáng tạo. Trong thực tế, 20 phút nửa đầu hiệp một, họ liên tục bị dồn ép, và thực sự là không tạo nên được một cơ hội đích thực nào từ những đợt lên bóng của mình.
Song, điều quan trọng là trong quãng thời gian ấy, ở tình thế ấy, Lukaku vẫn kịp thiết lập bước ngoặt của trận đấu, nâng đồng đội lên và đẩy người Nga vào tâm cảnh bất an của những kẻ phải rượt đuổi. 
Từ “không” thành “có”, đã là cả một điểm nhấn. Có lẽ không thể đếm nổi đã từng có bao nhiêu lời chế nhạo dành cho sự vụng về không tưởng của gã khổng lồ lộc ngộc đó trong quá khứ, trôi nổi từ các mạng xã hội đến tận những hệ thống truyền thông quốc tế. Nhưng, cuối cùng thì trong 90 phút cụ thể này, dường như sự cùn nhụt mang tính truyền kỳ của anh lại trở thành tử huyệt đối với các hậu vệ Nga, khi họ dễ dàng trở nên hời hợt và lơ đãng.
Ngược lại, không gì khác, chỉ có sự tập trung – duy nhất sự tập trung ấy – mới có thể giúp Lukaku không để vận may tuột qua mũi giày, và dạy cho đối thủ một bài học về sự khốc liệt trên đỉnh cao.
Chiến thắng, rất nhiều khi, chỉ đơn giản bắt nguồn từ việc phạm ít sai lầm hơn. 
3. Ở một khía cạnh khác, sự tăng trưởng trong những thông số bên lề liệu có đích thực là điều cần thiết cho bóng đá nói chung và EURO nói riêng?
Một “trận đấu-3-bàn thắng” kiểu như thế này, càng xuất hiện nhiều, chắc chắn sẽ càng nâng cao tỷ lệ trung bình bàn thắng chung được thống kê sau vòng bảng, và sau cả khi EURO đã khép lại. Một EURO 24 đội, nghĩa là nhiều trận đấu hơn, nghĩa là cơ hội có nhiều bàn thắng hơn cũng cao vọt lên, nghĩa là tỷ lệ trung bình ấy cũng hoàn toàn toàn có thể chạm những mốc mới chưa từng có trong lịch sử.
Song, cứ cho là tỷ lệ đó đạt khoảng 3 bàn/trận, thì thực tế, nó có đồng nghĩa với sự căng thẳng, kịch tính và hấp dẫn? 
30 năm trước, EURO 1992, tỷ lệ bàn thắng trung bình chỉ là 2,13 bàn/trận. Song, ngay từ vòng bảng, mỗi cuộc đối đầu đã mang dáng dấp của một trận loại trực tiếp, khi cả vòng chung kết chỉ có 8 đội tham dự, và bất cứ sai sót nào cũng hoàn toàn có thể phải trả bằng những cái giá cắt cổ. Hơn ai hết, ĐT Pháp của Platini – ĐT số 1 thế giới năm 1991, với Quả bóng vàng Jean Pierre Papin hiểu rất rõ điều đó. Đổi lại, cách mà “thuốc nổ Đan Mạch” thổi bay cả họ, cả ĐKVĐ châu Âu Hà Lan, cả ĐKVĐ TG Đức, cho đến giờ, vẫn là những màn trình diễn kỳ vĩ và giàu cảm xúc nhất lịch sử EURO.
Dĩ nhiên, cũng như cuộc sống, bóng đá buộc phải phát triển, và tấm huy chương nào thì cũng luôn có mặt trái. Có điều, hình như mỗi giai đoạn phát triển, bóng đá lại phụ thuộc vào những số liệu thống kê khô khốc (và đôi khi là giả dối) nhiều hơn.