‘Thay đổi tính nghiệp dư của nền bóng đá Việt Nam là thành tựu lớn nhất của ông Park’

– Phóng viên (PV): Xin chào anh Mạnh Dũng. Vừa qua, HLV Park Hang Seo đã chốt danh sách 30 cầu thủ sang UAE. Bản danh sách này gần như không có chỗ cho những cái tên mới, hay trước đó một số cầu thủ đạt phong độ cao cũng không được triệu tập hoặc giữ lại. Anh có thấy bất ngờ về cách lựa chọn người của HLV Park Hang Seo?
Cựu tuyển thủ Mạnh Dũng (MD): Thời gian vừa qua do những yếu tố khách quan như dịch bệnh, ông Park không có thời gian lựa chọn, huấn luyện và nhìn nhận cầu thủ mới. Do đó ông ấy chọn phương án gọi cầu thủ cũ lên vì ông ấy đã từng làm việc, hiểu rõ và nắm được ưu nhược điểm của họ.
Điều thứ hai và cũng là điều chỉ ra sự khôn khéo trong cách làm việc của ông Park, đó chính là sự an toàn cho bản thân ông ấy. Với những cầu thủ đang có trong tay, ông đã nắm được chuyên môn của họ. Nếu đội tuyển có bất lợi thì không ai trách được ông ấy cả, vì ông ấy đã gọi những con người tốt nhất lên rồi.
Trung vệ Mạnh Dũng (Số 15) – Ảnh: FBNVVới những người bị loại thì trước đó, trong khoảng hơn 1 tuần tập trung, ông ấy đã quan sát được quá trình sinh hoạt, tập luyện và thi đấu kiểm tra. Những cầu thủ ấy chưa đáp ứng được yêu cầu mà ông Park mong muốn, nên ông ấy bắt buộc phải đưa ra quyết định loại bỏ vì yếu tố chuyên môn mà thôi.
Trường hợp đáng tiếc nhất là Đặng Văn Lâm vì lí do dịch bệnh. Với tôi, Lâm luôn là thủ môn hàng đầu Việt Nam. Nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên quyết định ấy cũng là biện pháp an toàn cho Văn Lâm và đội tuyển.
– Thông qua cách ông Park chọn người ở đội tuyển không chỉ ở đợt tập trung này mà còn là xuyên suốt các đợt tập trung trước đó, anh có thể nêu sự khác nhau về tính chất công việc của một HLV ở CLB và một HLV ở đội tuyển quốc gia? 
Ở CLB, cái khó của HLV là lực lượng không đồng đều giữa các tuyến. Người ta phải liệu cơm gắp mắm, liệu cách xoay sở, họ phải làm mọi cách để cầu thủ thích nghi và lấp vào những khiếm khuyết của đội.
Cái lợi là HLV CLB có nhiều năm tháng làm việc với cầu thủ nên họ sẽ nắm được nếp sống, sinh hoạt và khả năng chuyên môn của cầu thủ ấy. Từ đó, họ sẽ đưa ra những điều chỉnh phù hợp thông qua quá trình luyện tập.
Với HLV ở đội tuyển, họ được chọn tinh hoa, những con người hay nhất của một nền bóng đá. Cái bất lợi là thời gian làm việc tương đối ngắn. Những người trong tay họ là những cầu thủ hay nhất của cả nền bóng đá, họ có trình độ tương đồng nên khi lựa chọn giữa việc giữ ai, loại ai, cho cầu thủ nào ra sân cũng là nỗi đau đầu với HLV trên tuyển.
-Bóng đá Việt Nam từng có không ít các HLV ngoại đến thử sức, nhưng số thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh từng là một tuyển thủ và đã làm việc dưới quyền các HLV ngoại, dưới góc nhìn của mình, anh có thể chỉ ra những yếu tố nào đã giúp ông Park có được thành công cho tới thời điểm này?
Ông Park thành công cho tới thời điểm này, đầu tiên chúng ta phải dành lời khen bởi ông ấy là người có năng lực, có kinh nghiệm khi từng là trợ lý cho cấp đội tuyển (trợ lý ĐT Hàn Quốc). Ông Park từng làm việc với các HLV hàng đầu thế giới rồi nên ông đã thu được kinh nghiệm quản lí cầu thủ và tổ chức chiến thuật. 
Khi ông sang Việt Nam là một nền bóng đá thấp hơn thì ông ấy có cơ hội vận dụng những kinh nghiệm đã có. Tính tổ chức của nền bóng đá Đông Nam Á có thể nói là rất nghiệp dư, nên ông ấy đến đây và siết chặt kỷ luật lại cho thành nếp chuyên nghiệp.
Yếu tố nữa là sự may mắn, rất may mắn. Ông sang đúng thời điểm Việt Nam sản sinh ra một lứa cầu thủ đồng đều về tuổi tác, giàu khát khao và đặt nặng ý thức chuyên nghiệp trong tư duy. 
Ngoài ra, các đối thủ cùng khu vực đang có sự chuyển giao thế hệ. Họ có sự bất ổn  trong tình hình nội bộ và họ đang yếu dần đi, yếu hơn chúng ta 1-2 năm trở lại.
Ông Park đã đến trong hoàn cảnh thiên thời-địa lời-nhân hòa. Cộng thêm những kinh nghiệm thu được từ năm tháng làm trợ lý Hàn Quốc, nó trở thành điểm rơi may mắn của cuộc đời ông Park.
– Trở lại với câu chuyện của đội tuyển. Hùng Dũng chấn thương là một mát quá lớn, anh đánh giá vai trò của Hùng Dũng như thế nào và ai có thể thay thế cầu thủ này trong những người được đem đến UAE?
 Hùng Dũng là mắt xích rất quan trọng của đội tuyển, cậu ấy là sự liên kết giữa hàng thủ và hàng công, là người phân phối bóng ở giữa sân cho các tiền vệ tấn công khác. 
Thiếu Hùng Dũng là mất mát cho đội tuyển nhưng ở ĐTQG bây giờ mất ai cũng đều quan trọng cả, không riêng gì Hùng Dũng. 
Có một vấn đề ở đây, cá nhân Hùng Dũng đã quen với cách vận hành chiến thuật của ông Park. Hùng Dũng là chìa khóa của ông Park, mở ra hướng tấn công, cách thu về phòng ngự của cả đội. Ngoài Hùng Dũng còn có Đức Huy nữa. Họ là ổ khóa trong cả tấn công và phòng thủ.
Mất Hùng Dũng thì vị trí đó của ĐTVN không thiếu, còn có Tuấn Anh, Xuân Trường, Đức Huy. Họ đều là những cầu thủ rất giỏi.
Nhưng Hùng Dũng không chỉ tấn công tốt mà còn tổ chức đánh chặn từ xa cực tốt. Đấy là điều cực kỳ quan trọng ở bất kỳ đội bóng nào, người có khả năng chuyển đổi trạng thái cực kỳ nhanh từ thủ sang công. Vắng Hùng Dũng là sự mất mát cho đội tuyển.
Đội tuyển có nhiều cầu thủ đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của Hùng Dũng. Nhưng điều ấy còn phụ thuộc vào sơ đồ chiến thuật và thế trận ông Park sắp xếp. Để chỉ ra một cá nhân cụ thể thì chúng ta phải biết đối phương như đá như thế nào, vận hành ra sao, ý đồ tiếp cận để lựa chọn người phù hợp.  
– Việt Nam đang đứng đầu bảng G, nhưng nhìn lại hành trình ở 5 trận đã qua, có vẻ như lối chơi của chúng ta đang bị bắt bài. ĐT Việt Nam gặp khó trong khâu tấn công, đặc biệt trùng hợp khi Việt Nam không có Phan Văn Đức ở 5 trận trên. Anh nghĩ sao về sự ảnh hưởng của Văn Đức nói riêng hay những ngôi sao có khả năng tạo đột biến cao nói chung?
Thực ra có nhiều cầu thủ là yếu tố quan trọng cho đội tuyển. Nhưng đã là ĐTQG thì không ai quan trọng nhất, cầu thủ nào cũng đóng vai trò như nhau, 11 vị trí đều là những người hay nhất cho nên thiếu một vị trí hay không không thể đánh giá cả đội tuyển được. Ví như Argentina, họ có Messi nhưng vẫn thua là chuyện bình thường. 
Một cá nhân không thể gánh vác đội tuyển, 11 tuyển thủ có trách nhiệm như nhau. Đội bóng như một sợi xích, khi thiếu một mắt xích, HLV đóng vai trò là người cầm lái sẽ tìm mắt xích thay thế phù hợp cho sợi xích đó để bộ máy vận hành trơn tru.
Những cầu thủ mà NHM xem và coi họ là nhân tố đột biến thì đấy là những người thể hiện được tố chất cá nhân trong từng tình huống mà thôi. Đội tuyển cũng không ít lần thiếu vắng nhiều cầu thủ như vậy nhưng vẫn chơi tốt và giành kết quả khả quan đó.
– Việc ĐT Việt Nam phải thi đấu trên sân khách, đồng thời trong thời gian qua, các đối thủ bổ sung thêm các cầu thủ nhập tịch. Liệu đây có phải những bất lợi của ĐTQG trong 3 trận còn lại?
Tất nhiên khi đối thủ có sự bổ sung, đặc biệt là các cầu thủ nhập tịch (nếu tốt) thì đội tuyển chúng ta cũng đã quan sát và nhờ các chuyên gia gửi hình ảnh, tư liệu của đối thủ để tham khảo. Tuy nhiên những thông tin ấy cũng không hoàn toàn đầy đủ được nên đây cũng là yếu tố bất ngờ, khó khăn nhất định khi chúng ta gặp họ. 
Đôi khi trong suy nghĩ của HLV Park và các tuyển thủ thì đội tuyển bạn vẫn là những con người như vậy, đã từng quen thuộc với khán giả. Nhưng thời gian vừa qua, họ thay đổi cả về lực lượng và chất lượng của cấu thủ. Nó sẽ khiến chúng ta bất ngờ đấy. Ta chưa nắm được họ như thế nào nên khi thi đấu trên sân, ta vừa quan sát, vừa hạn chế người ta thôi. Đấy cũng là bất lợi một chút, chúng ta phải tập thích nghi thôi.
– Anh đánh giá ra sao về cơ hội của đội tuyển, chúng ta có nhiều lợi thế để đi tiếp không?
Tất cả các đội đều có cơ hội đi tiếp. Tôi luôn nhấn mạnh, đội bóng nào thận trọng và quyết tâm nhất thì đội đó sẽ đi xa. Đội bóng nào chủ quan thì dù có là Nhật Bản, Hàn Quốc mà gặp Việt Nam thì cũng phải trả giá. Nếu chúng ta tự tin thái quá thì có khi chúng ta gặp bất lợi rất nhiều nếu chạm trán Indonesia và Malaysia. Chúng ta không quyết tâm mà cứ đá theo cách chúng ta từng thắng họ rồi thì rất nguy hiểm. 
Bài học nhãn tiền là đội tuyển Thái Lan. Thái Lan từng thắng Việt Nam ở rất nhiều giải và lịch sử cũng chứng kiến Thái Lan thống trị bóng đá Đông Nam Á trong thời gian dài. Nhưng sau này năng lực chuyên môn của họ giảm sút, họ vẫn nghĩ đang ở thế thượng phong nên khi gặp lại Việt Nam thì họ chủ quan. Họ bị bất ngờ. Đó chính là bài học lớn nhất. Họ thua vì sự chủ quan chứ không thua vì năng lực chuyên môn.
Tôi muốn kết luận rằng, cơ hội luôn chia đều cho tất cả các đội. Đội bóng nào thận trọng và quyết tâm lớn nhất, đội bóng ấy sẽ đi tiếp.