Chuyên gia vật lý trị liệu: ‘Hùng Dũng vẫn còn may’

Chuyên gia Lê Tuệ Đăng từng là bác sĩ của các đội trẻ Việt Nam, là thành viên của đội U22 Việt Nam giành huy chương đồng VCK U22 Đông Nam Á ở Campuchia năm 2019.

Sau khi theo dõi phim chụp của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, người bị gãy chân sau pha phạm lỗi của Hoàng Thịnh ở trận đấu giữa TP HCM và Hà Nội FC, chuyên gia Lê Tuệ Đăng đã chia sẻ quan điểm chuyên môn của mình. 

Anh nói: “Nếu chia xương chày, xương mác làm 4 phần thì Hùng Dũng bị gãy ở phần nửa dưới. Đó có thể xem là chi tiết ít ra còn may mắn đối với anh. Bởi nếu Hùng Dũng gãy ở chính giữa của xương thì việc thi đấu đỉnh cao gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đây là khu vực yếu nhất, dễ bị gãy lại. Thêm vào đó, Hùng Dũng bị gãy ở nửa dưới nhưng là phía trên, chứ không gần khu vực mặt cá. Bởi đây là chỗ có dây chằng khớp và điểm chịu lực”. 

Anh Lê Tuệ Đăng phân tích: “Quá trình phẫu thuật theo tôi với trường hợp của Hùng Dũng là không khó. Chỉ khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng sau phẫu thuật là Hùng Dũng có thể đi lại nhẹ nhàng. Tầm 2-3 tháng, Hùng Dũng có thể chạy được. Nhưng tôi khuyến nghị là Hùng Dũng nên nghỉ từ 6-8 tháng. Bởi Dũng cần chờ xương khoẻ thật sự. Bóng đá là môn yêu cầu va chạm, thi đấu đối kháng với cường độ cao. 

Điều quan trọng nhất là quá trình vật lý trị liệu. Nếu như chấn thương dây chằng thì phẫu thuật và vật lý trị liệu đóng vai trò 50-50 thì vật lý trị liệu với chấn thương như Hùng Dũng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn. Ngay khi mổ xong là Hùng Dũng đã phải bắt đầu quá trình vật lý trị liệu. Ví dụ trong 1-2 tháng đầu,trong lúc chờ xương lành, Dũng có thể bắt đầu vận động tại chỗ, nâng chân nhẹ nhàng. Sau khi xương lành là có thể đi chậm chạy chậm. Quan trọng nữa là Dũng cần tập phản xạ cơ, chuẩn bị về mặt tâm lý. 

Bên cạnh đó, Hùng Dũng cầm đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ. Cầu thủ nước ngoài với cơ địa tốt hơn cùng chế độ ăn tập hợp lý thì có thể 5-6 tháng là trở lại thi đấu đỉnh cao. Còn với cầu thủ Việt Nam, tôi khuyến nghị cần đảm bảo 10 tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày, ăn uống điều độ…”.